Câu trả lời ngắn gọn cho vấn đề này là không, CS:GO không chết. Sự xuất hiện của Valorant, tuy rằng sẽ gây ảnh hưởng tới CS:GO, nhưng việc đánh đổ dòng game 20 năm này không phải là một điều dễ dàng.
Sự sụp đổ của nền CS Bắc Mỹ
Chắc hẳn người chơi CS:GO đều đã biết về cú tweet nổi tiếng của Tarik “tarik” Celik – tuyển thủ đang thi đấu cho Evil Geniuses và là 1 trong 5 người đem về chiến thắng Major đầu tiên cho Bắc Mỹ dưới màu áo Cloud9 – rằng CS:GO Bắc Mỹ đã chính thức chết.
Chia sẻ về điều này, fl0m – đội trưởng và là người sở hữu stream team Mythic, đội luôn nằm trong top 10 đội mạnh nhất Bắc Mỹ – cho biết, sự sụp đổ của nền CS:GO Bắc Mỹ tuy có một phần là do sự xuất hiện của Valorant nhưng lý do thật sự vẫn là do COVID-19. Sự thật là, các đội tuyển Bắc Mỹ vẫn luôn bootcamp tại châu Âu vài lần một năm để cọ xát với những đội mạnh nhất.
Tuy nhiên do sự xuất hiện của COVID-19, các đội đến từ Bắc Mỹ không thể di chuyển tới châu Âu hoặc là phải trực tiếp di chuyển tới châu Âu – như trường hợp của Complexity – và rời xa gia đình trong một thời gian dài.
Hơn nữa, việc xuất hiện của Valorant khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi nhiều tuyển thủ trẻ hay thậm chí gạo cội mà không có nhà tài trợ quyết định chuyển sang Valorant để tìm kiếm cơ hội của mình. Tình huống éo le này khiến các đội lớn như EG, Liquid chính thức “không có đối thủ” và buộc phải di chuyển qua châu Âu hay thậm chí trực tiếp giải tán như 100 Thieves.
Sự sụp đổ của nền CS:GO… Việt Nam?
Việt Nam là một đất nước chịu ảnh hưởng nhiều của tựa game Liên Minh Huyền Thoại, và cũng là điều dễ hiểu khi sự xuất hiện của Valorant – tựa game cũng được Riot Games phát triển và phát hành – tạo nên sóng gió trong cộng đồng.
Nhiều cái tên nổi tiếng trong cộng đông CS:GO Việt Nam như Ngô “crazyguy” Công Anh hay cả đội tuyển RevolutionVN đã quyết định “dứt áo ra đi” và đầu tư vào Valorant. Thậm chí, Mai “Bomman” Nam Hải – caster, streamer nổi tiếng nhất của cộng đồng CS:GO Việt Nam và có thể nói là người đã khiến CS:GO Việt Nam đạt được độ phủ sóng như ngày nay – cũng quyết định sẽ chăm chút cho tựa game mới ra này.
Dẫu vậy, một sự thật mà ít người nhớ đến là nền CS:GO Việt Nam chưa bao giờ nổi cả. Các giải thi đấu ít được tài trợ và không mấy thành công trong việc kéo người mới vào trò chơi. Ngay cả Bomman cũng chia sẻ rằng CS:GO Việt Nam không có lối đi, nên việc các người chơi CS:GO chuyên nghiệp, bán chuyên tại Việt Nam tìm đến Valorant cũng là một điều dễ hiểu. Riot Games luôn luôn mạnh tay trong việc đầu tư các giải đấu và mở rộng tầm ảnh hưởng của các trò chơi của mình.
Điểm yếu của Valorant: thị trường châu Âu
Thị trường châu Âu luôn là vấn đề “nhức nhối” của Valorant khi CS:GO đã thống trị nơi này từ rất lâu. CS đã trở nên quá quen thuộc và quá mạnh mẽ trong cộng đồng người chơi FPS ở nơi đây, khiến Valorant khó có thể lấy được thị phần. Khác với Bắc Mỹ có rất nhiều giải đấu được đầu tư như Pop Flash Invitational, FaZe Clan Invitational, châu Âu hoàn toàn không có một giải đấu “xứng tầm” nào.
Nền CS:GO chuyên nghiệp ở châu Âu có rất nhiều đội tuyển hàng đầu và được đầu tư khiến họ không bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19 hay sự xuất hiện của Valorant. Game thủ châu Âu cũng đã quá quen với CS khiến họ không hào hứng lắm với Valorant khiến game có lượng người chơi thấp. Riot Games đang cố gắng thay đổi điều này với sự xuất hiện của giải Valorant First Strike và tiếp theo là Valorant Champions Tour.
Tạm kết
Có thể nói, CS:GO vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Lượng người chơi vẫn luôn là đứng đầu của Steam và lượng người xem cũng đứng top trên Twitch. CS:GO đã vượt qua rất nhiều “CS:GO killer” trước đây như PUBG, Overwatch và chưa có lý do gì khiến Valorant trở thành kẻ thực sự hạ gục được CS:GO.